Giỏ hàng

Quá trình học, luyện và thi lên 8.0 Writing

Quá trình học, luyện và thi lên 8.0 Writing


I.Lưu ý nho nhỏ:


_ Đây là bài chia sẻ của mình về quá trình CHÍNH MÌNH học thi IELTS Writing từ khi bắt đầu (khoảng tháng 11/2015) tới khi thi (ngày 19/11/2016).
_Đọc tham khảo, thấy gì hợp thì áp dụng, không thì bỏ qua nha, vì mình chắc mỗi cá nhân có một con đường thành công khác nhau nên đừng áp đặt nhé. Bản thân mình cũng chỉ là 1 sĩ tử thi IELTS, có bao nhiêu thứ gọi là bí quyết thì sẽ "tuôn" ra thôi :))
_Xuất phát điểm của mình: Ngữ pháp ổn (mình thi đại học Tiếng Anh được 9.25 "lận"). Từ vựng ở mức ngấp nghé B1,B2 và 1 số lượng rất hạn chế từ và cấu trúc cao cấp, chủ yếu rơi vào mảng Business (vì trước đó mình có học và thi TOEIC được 880). Mình kể ra cái này là để nhấn mạnh với các bạn rằng trong toàn bộ Note này, mình sẽ bắt đầu với xuất phát điểm đó, và mọi kinh nghiệm mình có cũng từ xuất phát điểm ấy. Chẳng hạn, mình sẽ hầu như KHÔNG đề cập tới việc học ngữ pháp vì khi mình luyện viết thì nó không phải là điểm yếu của mình.
_ Trong bài này những phần đầu mình sẽ viết theo kiểu câu hỏi-trả lời. Là 1 sĩ tử, mình biết cái cảm giác săn được 1 note bí kíp (từa tựa của mình), đọc note thấy hoàn hảo không tì vết nhưng câu hỏi canh cánh trong lòng thì vẫn chưa trả lời được :(( Mong là kiểu viết này đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các bạn. Những phần


II. Học từ vựng như thế nào? Làm sao để nhớ từ và ÁP DỤNG ĐƯỢC vào bài viết?


_ Nếu các bạn đủ chăm thì năng nhặt chặt bị, mỗi chỗ lượm lặt 1 ít -> hoàn hảo.
_ Chú ý học từ vựng từ các bài mẫu do examiners viết hoặc đã được examiners chấm điểm tốt. Phần bài nghe và đọc cũng đáng để lượm ra từ hay dùng được, nhưng mình sẽ ít ưu tiên nó hơn các bài mẫu.
_Sẽ có một số cấu trúc mà sẽ cần dùng rất nhiều, chẳng hạn "A tốt cho B". Trong kì thi sẽ cần paraphrase (diễn giải) lại nó, hoặc diễn đạt nó bằng 1 số cách tốt, kiếm điểm từ vựng. Với những cấu trúc như thế này thì các bạn nên list ra để học cho dễ. Như ví dụ trên, có 1 loạt các từ (cả cao và thấp cấp) mà mình hay dùng như "beneficial, give a boost to, enhance, be conducive to"... Các bạn cũng cần phân biệt kĩ cách dùng cũng như ý nghĩa chính xác của cụm, dù chúng khá giống nhau về nghĩa. Chẳng hạn, "be conducive to" +Danh từ chứ không phải Động từ ; "flexible" và "unstable" 1 từ nghĩa tích cực, 1 từ hơi tiêu cực ...
_ Để nhớ từ và sử dụng được 1 cách chính xác, tất nhiên bước đầu tiên là học được nghĩa chính xác, văn cảnh dùng cũng như cách dùng của từ hoặc cụm. Sau đó, reiview bằng cách tập đặt câu và viết bài với chính những gì mình đã học. Làm càng nhiều càng tốt. Lúc đầu, bạn có thể hơi lạm dụng cụm đó 1 chút (overuse), sau này quen nghĩa và ngữ cảnh cũng như có thêm từ khác bạn sẽ tự động dùng nó đúng lúc đúng chỗ. Tập đặt câu với nó bằng cách nói (không chuẩn bị) cũng rất tuyệt vời, và cố gắng phát âm thật đúng vì trong writing, chẳng may bạn không nhớ cách viết (spell) từ bạn có thể từ cách phát âm đúng suy ra. Ex: For all intents and purposes", cái nối âm ở "intents" và "and" đã giúp mình luôn viết đúng cụm này.
_Nên có lịch học cố định các bài mẫu theo chủ đề. Writing yêu cầu paraphrase rất nhiều, vì vậy khi bài thi đề cập đến 1 chủ đề, mình nên có 1 "kho" các từ cho chủ đề đó, nhất là các từ thay thế cho các khái niệm đơn giản. Ví dụ : big cities, municipal areas, urban areas... hay "decline, decrease, plummet" .Chú ý các từ ngũ mang tính chuyên ngành (technical) nhiều khả năng mang tính đơn nghĩa (như Tiếng Việt thôi) nên không paraphrase (Ex: electricity)
_ Tập viết các bài ngay sau khi nghiên cứu bài mẫu, lọc và học ra cấu trúc hay khoảng 1-2h. Tự chữa lần 1 để phát hiện những lỗi tự bản thân sửa được. Sau đó mới nhờ người có chuyên môn chữa. Hôm sau nếu được hãy viết 1bài mới cùng chủ đề, không nhìn vào bài cũ mà chỉ liếc qua các cấu trúc đã chắt lọc. Chú ý tới sửa lỗi.
_Có những lúc bạn chăm chỉ quá ,đâu đâu cũng gặp từ mới và "nhặt", cuối cùng không biết học ra sao để "nuốt" hết. Lời khuyên của mình là phân loại từ: Từ nào bạn sẽ dùng để nói, viết, hay từ đó chỉ cần nghe ra đọc ra và viết spelling là ổn, kiểu như vậy. Nên nhớ rằng các từ mà bạn biết ( Vocab range) là rất khác với từ mà bạn có thể dùng 1 cách chuẩn xác, tự nhiên trong nói và viết (active Vocab). Các từ học để viết (và nói) thì cách học mình vừa nêu, còn để nghe và đọc thì... (OFF-TOPIC)


III. Làm sao để viết đúng form của dạng bài (OPINION, PROBLEMS AND SOLUTIONS...)


_Tất nhiên, bạn phải đọc và hiểu đề nói gì (cái này nếu bạn nào chưa làm được mà phải dựa vào cách mò mẫm từ đã biết để đoán dạng bài thì mình không có kinh nghiệm chơi kiểu đọc 1 hiểu 10 này) .Nhớ đọc kĩ, rất kĩ, nhất là câu hỏi.
_Khi câu hỏi dài, có 1 câu "mở màn", thường dễ viết hơn nếu bạn chấp nhận câu mở màn đó là luôn đúng (90% phải là như vậy) thay vì tìm cách phản bác nó. Cái này không đúng với mọi trường hợp, nhất là vào đề khó, vì có khi sau khi phản bác câu mào đầu xong sẽ dễ viết hơn.
_Cẩn thận với "extreme questions", là những câu hỏi có so sánh nhất, như "the best way to deal with A is B". Cách dễ nhất là không đồng ý với statement đấy, vì chứng minh nó tốt nhất sẽ khó hơn nhiều so với chứng minh có cái khác hơn nó.
_Học các cấu trúc để trả lời câu hỏi tương ứng với dạng bài cũng như học từ mới. Cách học và áp dụng y hệt, bởi cả cụm đó, dùng với nghĩa đó trong văn cảnh đó cũng là 1 "từ mới" (Vocab item) mà. Cũng xếp chúng vào nhóm gần nghĩa, cũng phân biệt sự khác biệt trong văn cảnh, cách dùng, cũng cố gắng dùng tới mức "overuse" khi mới học, cũng cái lịch trình viết bài như vậy ...
_Riêng với các cụm từ mang tính định hình form bài viết, cần lưu ý mức độ nặng nhẹ của chúng, vì khi viết mình sẽ muốn "tâng" cái này và "dìm" cái kia.

IV. Làm sao để nghĩ ra ideas nhanh chóng.


_ Về kĩ năng phân tích nội dung đề, cân đo đong đếm bên lợi bên hai thì mỗi người có cảm nhận và ý kiến riêng, mình không đề cập. Cái mình đề cập là cách ra ý nhanh, chuẩn và ... đỡ mệt đầu :))

_Chọn ý tưởng cũng nên dựa trên vocab của mình, vì vừa có cơ hội khoe từ, vừa diễn đạt chính xác ý ( vì các từ tốt thường nghĩa+hàm ý rất sâu, vừa zin vào ngữ cảnh)
_Chọn ý thì nên chọn cái nào thấy ... dễ viết, nhiều ý tưởng. IELTS là kì thi ngôn ngữ, không phải kì thi xem ý ai đúng hơn ai, miễn là bạn bảo vệ được quan điểm của mình thật hợp lý :)) Ngoại lệ là những tư tưởng, giá trị cốt lõi mang tính toàn cầu, như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường... và thường là viết xuôi theo chúng cũng dễ hơn. Ví dụ, mặc dù thực tế có thể là cho chặt cây lấy gỗ xong bắt các công ty sản xuất gỗ chịu đủ thứ thuế đến mức tiền thuế ấy dành cho môi trường có thể giúp cải tạo cho môi trường tốt hơn cả lúc trước chặt cây, nhưng viết như thế thì siêu khó, lòng vòng ( viết Tiếng Việt còn khó nữa là :) )
_Nếu đến mức phải "nặn" ra ý tưởng, thì có 1 vài cách khả thi sau:
+Cục bộ hoá: Ex: A tốt cho môi trường-> A tốt cho môi trường nước + không khí.
+Nhìn từ góc độ của nhiều người: Ex: việc phân chia việc nhà đều cho 2 giới có tốt không? -> có thể phân tích từ góc nhìn của phụ nữ, đàn ông, chủ doanh nghiệp, con cái ...
+ Lấy ví dụ rồi phân tích ngược.
_Khi viết cũng đừng quá băn khoăn, phân tích sâu kiểu : cái mình cho là có lợi lại cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại, tốt trong xấu, xấu trong tốt ... liệu có cần đưa vào không nhỉ. Câu trả lời là 99% không. Viết như vậy khó viết, khó thoát ý. Hơn nữa, như đã nói, IELTS là bài thi ngôn ngữ chứ không phải bài thi phân tích. 1% còn lại mình chưa gặp bao giờ, chờ cao thủ nào khám phá :)) Nên trong 1 ý, nếu topic sentence đã bảo nó tốt thì hãy viết toàn về điểm tốt của nó thôi, "lơ" mặt xấu đi.


V. Làm sao để loại bỏ lỗi sai ?


_Thứ nhất, hãy chăm chỉ theo công thức làm bài + tự chữa + nhờ người chữa. Nhận diện lỗi đã.
_Không tính các lỗi vì "nhỡ" (slip) ,hầu hết các lỗi mình chia 2 dạng : thể hiện hoặc không thể hiện được qua việc PHÁT ÂM.
_Với lỗi nào thể hiện được qua phát âm thì mình phát âm đúng, chú ý làm nổi bật rõ chỗ sửa, rồi đặt câu (viết +nói) với nó. Việc này tốt cho cả viết và nói đó :)) Làm nhiều lần để cái đúng "in" vào đầu.
_Với lỗi phát âm không phát hiện được bằng phát âm (nhất là lỗi spelling) thì mình chỉ còn cách là thực hành viết với nó nhiều để viết cho đúng thôi :))
VI.Okay, 1 chút về ngữ pháp: (xin phép không đề cập việc học ngữ pháp cơ bản vì mình chả nhớ xưa học ntn nữa)
_ Một số cấu trúc được đánh giá cao trong kì IELTS: bị động (passive voice), câu điều kiện (conditional sentences), đảo ngữ (Inversion), các cấu trúc "cố định" như "It is [ 1 Adj phù hợp] that Sbd should do smt". Cá nhân mình thích đảo ngữ của câu điều kiện, vì nghe khủng nhưng cấu trúc khá dễ viết ( và nói). Chẳng hạn "Had it not been for..." cố định luôn khỏi phải chia.
_Trong task 1 cần chú ý thì (tense) cho phù hợp. Cũng hãy để ý tới chia số ít số nhiều nhé :))
_Task nho nhỏ: chia động từ ở thì hiện tại đơn (present simple) và chia số ít số nhiều ở câu cuối.
1 Two-thirds of those apples (be) spoilt.
One-third of those apples (be) spoilt.
2 Two-thirds of food consumption (be) ... (food consumption: uncountable)
One-third of food consumption (be) ...
3 69% of 100 students (be) lazy.
1% of 100 students (be) lazy.
4 1 in every 4 student(s) (be) lazy.
2 out of 4 student(s) (be) lazy.
Mình hôm trước khi thi là học nhồi nhét cái này, may mà nó dễ nhớ lắm :))


VII. Sách mình đã học và thấy ổn:


_Đọc Cam vừa phải, vì tuy nó giúp mình hiểu rõ tại sao bài này 5 mà bài kia 7 nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ, mà đã là ngôn ngữ thì cái sai hay cái đúng đều dễ "thấm" vào đầu :))
_ Writing task 2 của Mat Clark. Nhiều từ hay để học, cơ mà mình thấy 1 số cách viết hơi bị "free-style" quá, không hợp với người học IELTS vì nó hay nhưng khó sử dụng, là con dao 2 lưỡi.
_Trên mạng giờ không thiếu bài mẫu uy tín đâu =)) Vào trang của Simon chẳng hạn.


VIII. Đi thi + 1 số vấn đề vụn vặt


_ Về phần writing, họ kêu được dùng bút bi nhưng lại không cho mang từ ngoài vào và cũng không phát ?? Các bạn nên tập quen với bút chì phòng khi thi ở BC và bị như mình.
_Hãy luôn làm bài Writing trên answer sheet chuẩn để "áng" được độ dài của bài mình khi đi thi thật mà ko phải đếm dòng đếm chữ.
_(Otional): khi làm 2 tasks liền, mình không làm tuần tự mà có khi đang làm task 2 nhảy sang viết task 1 khi bí rồi lại quay lại cũng khi bí. Với mình, như thế tiết kiệm thời gian, và thấy sau khi bỏ bẵng đi 1 lúc, nhiều ý mới xuất hiện :))
_Hãy dành thời gian cho brainstorm. Khoảng 1-2p cho task 1 và 2-4p cho task 2.
_Hãy dành thời gian cho check lỗi. Đừng như mình lật bài lên đợi người đến thu bài mới thấy "The two maps illustrates" mà tiếc vì không được tẩy sau giờ làm bài. Check kĩ tốn khoảng 3p cho cả 2 bài.
_Tẩy xoá: mình thấy giám khảo ai chấm thi bài viết mình chắc mát tính hoặc hôm đấy phởn, vì mặc dù không nhem nhuốc, chữ đọc được nhưng vì cái tẩy quá to nên tẩy lỡ lên cả chỗ không cần tẩy -> bài chỗ đậm chỗ nhạt.

_Khi viết ở nhà có thể "thử" + "tập" những cấu trúc lạ, còn bỡ ngỡ để biết nó đúng hay sai, tốt hay không nhưng khi đi thi, hãy chắc rằng viết cái gì đúng cái đấy. Không biết dùng dao 2 lưỡi thì dùng loại 1 lưỡi thôi =))

Danh mục tin tức